Khi nào có thể cho trẻ VIP đi học hòa nhập lớp mẫu giáo

Được đi học hòa nhập lớp mẫu giáo hay được cắp sách tới trường tiểu học học chính là ước mơ, là nỗi khát khao của những bậc cha mẹ có con tự kỷ. Tuy vậy, vì có những khó khăn về hành vi, về giao tiếp, ngôn ngữ và cả những rối loạn về cảm giác giác nên trẻ tự kỉ sẽ rất khó khăn khi đi học hòa nhập, thậm chí nhiều trường đã từ chối tiếp nhận trẻ. 

Để có thể đi học hòa nhập mẫu giáo thì trẻ tự kỉ cần phải đáp ứng được những yêu cầu như sau:

Trẻ cần được can thiệp về hành vi

Trẻ cần được can thiệp để giảm thiểu và có thể tự chủ (hoặc tự chủ khi có người nhắc nhở) về những hành vi không phù hợp và gây ảnh hưởng tới lớp học và các bạn khác, VD hành vi ăn vạ, hét, làm tổn thương bạn…

Cha mẹ và thầy cô can thiệp cần dạy trẻ những hành vi mẫu thay thế phù hợp bên cạnh việc giảng giải giải thích cho trẻ hiểu những hành vi không phù hợp của trẻ vì sao không được xuất hiện.

Cha mẹ cũng cần trao đổi kỹ với GV mầm non nơi trẻ sẽ tham gia học hòa nhập Về những khó khăn của con, đặc biệt những yếu tố sẽ dẫn đến những hành vi không phù hợp và cách thức quản lý hành vi đó.

Vì vậy một hoạt động quan trọng trước khi cho bé đi học hòa nhập là thầy cô chuyên biệt và cha mẹ cần lập một danh sách những hành vi không phù hợp của bé, nhất là những hành vi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lớp học. Khi có danh sách đó thì sẽ là lộ trình và các chiến lược can thiệp để giúp bé không còn những hành vi đó hoặc bé kiểm soát được những hành vi đó.

Đối với trẻ tự kỉ thì đến 90% có rối loạn cảm giác giác quan và các hành vi của bé đến nhiều từ nguyên nhân này. Do đó cha mẹ cũng cần hiểu và trao đổi rất kỹ với cô giáo mầm non về những rối loạn cảm giác giác quan của bé và những cách thức giúp bé điều hòa cảm giác (mà không quá ảnh hưởng đến lớp học) ví dụ: như đeo kính râm hay bông che tai để giảm thiểu sự khó chịu của bé, hoặc không yêu cầu bé tham gia những hoạt động có âm nhạc khiến bé khó chịu….

Trẻ cần có chú ý và biết bắt chước

Cha mẹ cần nắm rõ mô hình ngôi nhà giao tiếp, và như thế cha mẹ sẽ thấy rõ vai trò quan trọng của chú ý đồng thời và bắt chước trong việc tiếp thu các kỹ năng khác. Chú ý đồng thời là khả năng cùng quan tâm tới một chủ đề, một đối tượng chung (ví dụ khi mẹ chỉ cho bé thấy chiếc ô tô thì bé cũng có sự hướng mắt về phía tay mẹ chỉ). Chúng ta hãy nhớ lại lý do vì sao chúng ta lại cho con đi học hòa nhập, có phải để trẻ có thể học những mẫu hành vi đúng. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi trẻ có chú ý, có quan sát và bắt chước. Kỹ năng chú ý đồng thời cũng giúp trẻ có thể lĩnh hội và hoàn thành những kiến thức, kỹ năng, bài tập cô giao.

Kỹ năng bắt chước sẽ khiến bé học được những hành vi đúng của các bạn trên lớp mẫu giáo.

Có được hai kỹ năng trên thì việc đi học hòa nhập của bé mới thực sự hiểu quả và có ý nghĩa. Bởi vì đối với trẻ tự kỉ thời gian còn quý hơn vàng, bỏ lỡ thời kỳ vàng trong can thiệp là khiến cho trẻ mất đi nhiều cơ hội phục hồi chức năng. Nếu cha mẹ vội vàng cho con đi học hòa nhập khi con chưa đạt đủ các yếu tố trên thì thời gian con ở lớp là thời gian lãng phí, vì con không học được gì, không được can thiệp.

Trẻ cần biết cách chơi với bạn

Có thể cách chơi của con còn đơn giản và chưa đúng chức năng, nhưng để có thể có đi học hòa nhập thì con cần được can thiệp để có thể có nhu cầu chơi với bạn, ít nhất là chấp nhận chơi chung cùng bạn.

Thông qua các hoạt động chơi cùng bạn, trẻ có thể được thức đẩy và phát triển nhu cầu giao tiếp, ngôn ngữ và nhận thức, rất nhiều các kỹ năng khác.

Trẻ cần có năng lực nghe hiểu và tuân thủ chỉ dẫn của giáo viên

Con cần hiểu được những lời cô giáo nói và hiểu cần phải tuân theo những chỉ dẫn của cô (có thể chấp nhận việc con chưa nói ra lời và giao tiếp bằng lời được)

Nếu con chưa có được năng lực nghe hiểu và tuân thủ các chỉ dẫn, mệnh lệnh của cô thì con sẽ rất tự ý và sẽ có những hành vi không phù hợp, dần dần chính bản thân con cũng sẽ thấy chán lớp mẫu giáo khi liên tục bị phạt do không tuân thủ những chỉ dẫn của cô, hay bị ngăn cản không được làm những hành động con muốn.

Chuẩn bị cho con đi học hòa nhập mầm non

Cha mẹ cần nắm rõ xem liệu con mình đã đạt những điều kiện để đi hòa nhập mầm non chưa (tham khảo ý kiến của cô giáo chuyên biệt đang can thiệp cho con và cô mầm non nơi đang định cho con học)

Cha mẹ cần cho con làm quen dần dần với môi trường mầm non bằng việc cho con đến chơi trước khi đi học chính thức (vì đặc điểm của trẻ là khó thích nghi).

Cha mẹ trao đổi kỹ với cô giáo mầm non về những khó khăn của con và những cách thức hỗ trợ con.

Nên có một vài buổi gặp gỡ 3 bên bao gồm cả cha mẹ, giáo viên chuyên biệt và cô giáo mầm non để có thể có những phối hợp tốt nhất cho con.

Chuẩn bị giờ ăn ngủ của con khớp với lịch của lớp mầm non 

Nguồn: Chong chóng sắc màu

Bạn đang tìm một nơi để có thể gửi gắm sự phát triển của con bạn?

Hãy để HappyHouse đồng hành cùng bạn trong hành trình nuôi dạy con cái!

Yêu cầu tư vấn ngay